Audio Hồi ký – Tập 10 – Sân khấu và cuộc đời

/

Nếu như tập 9 là câu chuyện về soạn giả Kim Cương thì tập 10 “Sân khấu và cuộc đời” sẽ là không gian để Kỳ nữ Kim Cương ôn lại hành trình mang chính những đứa con tinh thần đó lên sân khấu, cùng khóc, cùng cười theo các nhân vật và theo cả những kỷ niệm cuộc đời của người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền thoại kịch miền Nam. 

Nghệ thuật luôn có một sức lan tỏa và xâm nhập vào tình cảm con người một cách mạnh mẽ, nên Kim Cương luôn lồng ghép vào trong kịch bản của mình là bài học nhân văn, những tình cảm bình dị, quen thuộc để người xem thấy được mình trong đó và nhìn nhận lại mình, rút ra được bài học cho bản thân.

Trong suốt những năm làm nghề, NSND Kim Cương đã đi qua biết bao nhiêu vùng đất, diễn qua biết bao nhiêu vai diễn và in đậm trong ký ức của nữ nghệ sĩ là những kỷ niệm không thể nào quên. Nữ nghệ sĩ xem đó không chỉ là những kỷ niệm đẹp mà còn là những bài học nhắc nhở chính mình, những người làm nghệ thuật về trách nhiệm với cuộc đời.

Kỷ niệm với Bông hồng cài áo

Một lần đoàn đi diễn vở Bông hồng cài áo ở Phù Cát (Bình Định), đoàn kịch của nghệ sĩ Kim Cương được yêu cầu nán lại để diễn thêm một đêm miễn phí cho bà con đặc biệt là lấy đó làm bài học hiếu đạo cho trẻ em. Đứa con tinh thần của Kim Cương  không những được các khán giả yêu thích, mà còn mang tính giáo dục cho giới trẻ, đây cũng chính là chân thiện mỹ mà cô luôn hướng đến, không xáo rỗng, không sai lệch, đặc biệt là dành cho thế hệ mầm non – chủ nhân tương lai của đất nước. 

Những đêm diễn ở miền Trung đầy khó quên

Một lần khi diễn ở Huế, kỳ nữ đã được nhận một kỷ vật vô cùng quý giá từ vợ chồng người khán giả đặc biệt – chính là người lái xích lô chở cô về khách sạn vì quá xúc động khi được nữ nghệ sĩ tặng cho vé xem ghế đầu. Cũng trên vùng đất miền Trung ấy, một kỷ niệm khó thể quên trong cuộc đời làm nghề đó là khi được khán giả vô cùng yêu thương, dành tình cảm thưởng thức trọn những vở kịch dù trời mưa tầm tã. 

Bài học từ một trại phong

Có một lần, đoàn đang diễn ở Quy Nhơn, nhận được đề nghị diễn cho các bệnh nhân ở trại phong – những người xem Kim Cương là thần tượng và khao khát được gặp một lần. Đáp lại tình cảm đó, nữ nghệ sĩ đã làm mọi cách thuyết phục từng thành viên trong đoàn tham gia biểu diễn. Cũng chính ở đây, cũng là dịp cô một  bài học, nhìn nhận lại về lòng trắc ẩn với cuộc đời của một vài nghệ sĩ trong đoàn.

Đôi dép râu vô giá 

Đó là năm 1978, lúc tình hình biên giới Tây Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt với Pôn-Pốt. Nghệ sĩ Kim Cương  cùng một số anh em nghệ sĩ đi thăm các tân binh của thành phố đang đóng quân ở đơn vị gần biên giới và diễn cho anh em bộ đội xem. Một người chiến sĩ trẻ đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ – chính là người chiến sĩ đã nhường đôi dép râu của mình cho Kim Cương khi băng qua các lối mòn gập ghềnh. Từng đêm diễn của Kim Cương sau đó, ngoài diễn cho khán giả trước mặt đang khóc đang cười, cô còn phải diễn thật đẹp, thật chân tình cho một khán giả vắng mặt từ rất lâu rồi, đó là em bộ đội trẻ đáng thương. 

“Đi hát không phải là một nghề, mà là một cái đạo – đạo làm người”, cùng với những trải nghiệm của cuộc đời, nữ nghệ sĩ cũng đưa ra nhìn nhận của mình và lời răn cho thế hệ nghệ sĩ hiện đại: Người nghệ sĩ trên sân khấu hay đời thực cũng cần phải tự tìm tòi và trau dồi hiểu biết để có thể đối nhân xử thế một cách xứng hợp bởi luôn gánh trên vai trách nhiệm làm đẹp xã hội, không chỉ đơn thuần mua vui vô bổ. Mời quý khán giả theo dõi tập 11: Sân khấu và cuộc đời với sự diễn đọc của NSƯT Thành Lộc.


⏭️ Phát hành 20h Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy hàng tuần
✨Website: www.kynukimcuong.vn
✨YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimCuong
✨Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimCuong
✨Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
⏭️ Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com