Audio Hồi ký – Tập 16 – Ngôi sao dẫn đường

/

Nếu nhắc đến những người trong cuộc đời đã giúp nuôi dưỡng niềm đam mê với sân khấu cải lương và làm nên một kỳ nữ vang danh như ngày hôm nay không thể không nhắc tới NSND Bảy Nam – đấng sinh thành của Kim Cương. Có nhiều nét tương đồng giũa Kim Cương và má, NSND Bảy Nam không chỉ là một diễn viên xuất sắc mà cũng là là một “bà bầu” đầy nhiệt huyết dành cả cuộc đời để lo toan cho gia đình.

Nghệ sĩ Bảy Nam sinh năm 1913 tại Tiền Giang, là em ruột của nghệ sĩ Năm Phỉ – Phượng hoàng của nền cải lương Việt Nam. Nếu như các anh em trai của bà đều học hành đỗ đạt, có vị trí trong xã hội thời bấy giờ thì tất cả chị em gái lại theo nghề hát. Mở đầu cho việc chống lại dị nghị để đi hát là chị gái của bà, nghệ sĩ Năm Phỉ lừng danh. Từ lúc Năm Phỉ bỏ nhà theo đoàn hát, cha và anh trai của bà quản thúc các con sát sao hơn. Thế nhưng, niềm đam mê ca hát trong bà vẫn luôn có chỗ chen vào những ràng buộc khắt khe của gia đình.

Ngay từ năm 14 tuổi, nghệ sĩ Bảy Nam đã được nghệ sĩ Năm Phỉ – đào chánh của gánh Phước Cương – hướng dẫn nghề hát và nhanh chóng nổi tiếng qua các vai diễn. 19 tuổi, bà quyết chí lập gánh hát Nam Hưng, là nữ bầu gánh đầu tiên trong lịch sử cải lương. Hơn 70 năm đứng trên sân khấu, bà không chỉ là diễn viên mà còn là quản lý, trưởng đoàn, đóng hàng chục phim, kịch… Bà còn là tác giả kịch bản của các vở Nỗi đau lòng mẹ, Người đàn bà Việt Nam, Gươm vàng máu đỏ, Điều Tam Xuân, Tiêu Anh Phụng, Phấn hậu cung… Cùng với cố nghệ sĩ Phùng Há, bà được xem là một trong những vị tổ của cải lương Nam bộ. 

Có lẽ khó có ai thay thế nghệ sĩ Bảy Nam qua các vai diễn xuất sắc của bà trong những vở kịch như Bông Hồng Cài Áo, Vực Thẳm Chiều Cao,… Và nhất là, khán giả khó mà cầm được nước mắt khi xem vở Lá Sầu Riêng, với hình ảnh Bà Bảy Nam qua vai người mẹ quê, nghèo khổ trong chiếc áo dài sờn vai, lắm chỗ vá, đầu đội chiếc nón lá bung vành, tai mang cái giỏ đệm xác xơ, đã phải nén đau thương, uất nghẹn, lê những bước chân ngập ngừng tới nhà xui gia bất đắc dĩ để thăm người con gái là cô Diệu – do Kim Cương thủ diễn – cùng đứa cháu ngoại tên Sang.

Giáo sư Hoàng Như Mai viết: “Nghệ sĩ sân khấu, nếu thật sự là nghệ sĩ tài năng, là bảo vật vô giá của nhân loại, không vàng ngọc nào sánh được. Nghệ sĩ Bảy Nam là một trong số quý hiếm ấy”. Quý hiếm, trước hết vì bà luôn giản dị. Có lẽ, những cốt cách lớn thì luôn giản dị vì tài đức đã đầy, không cần “tô vẽ” thêm lên. Thật vậy, người diễn viên phần đông sẽ lấy cái ưu thế sắc vóc son trẻ hoặc giọng ca ngọt ngào để lấy lòng khán giả, chưa có nghệ sĩ nào sẽ lấy cái già, cái run, cái khàn, cái nhăn nheo, của mình thành loại hình nghệ thuật thu hút và chỉ có mình nghệ sĩ Bảy Nam làm được điều đó.  

Bên cạnh cuộc đời sân khấu rực rỡ, mối lương duyên kỳ lạ của bà với ông bầu Phước Cương – chồng cũ của nghệ sĩ Năm Phỉ cũng là một câu chuyện thường được kể lại. Tìm đến nhau muộn màng nhưng cả hai đã kịp trao nhau những ngày tháng ấm áp, đong đầy kỷ niệm và là khởi nguồn cho sự ra đời kỳ nữ Kim Cương. Đối với NSND Kim Cương, bà Bảy Nam vừa là người mẹ, vừa là người thầy, vừa là người bạn tri kỷ. Hai mẹ con NSND Bảy Nam và NSND Kim Cương giống như đôi “song kiếm hợp bích”. Hiếm có gia đình nào cả 2 thế hệ đều tài năng xuất chúng như vậy: Bà Bảy Nam là một tài năng sân khấu, “ám ảnh” khán giả với những vai người mẹ nhân hậu, thủy chung; thì Kim Cương cũng tạo cho người xem cải lương, kịch nói nỗi xót xa, ấn tượng với hình ảnh phụ nữ Việt Nam tảo tần, lam lũ, sắc son và sáng trong như ngọc.

Nếu mẹ gian truân làm bầu gánh hát lúc mới 19 tuổi, thì Kim Cương cũng từng vất vả với vai trò Trưởng đoàn kịch nghệ. NSND Bảy Nam với kỷ lục “Người phụ nữ đầu tiên viết kịch bản sân khấu Việt Nam”, thì NSND Kim Cương cũng ghi thành tích “Tác giả nữ sáng tác nhiều kịch nói nhất Việt Nam”…Mẹ con bà còn là đôi bạn diễn ăn ý nhất suốt hơn 40 năm trên sân khấu. Người ta báo hiếu cho mẹ, người ta sắm hột xoàn, quần áo, còn kỳ nữ Kim Cương báo hiếu cho má bằng những kịch bản hay, những vai diễn độc đáo. 

65 năm theo nghiệp, mọi biến cố của cuộc đời từ sinh nở, con mất, chồng qua đời đều trên đường lưu diễn, trong chiến tranh loạn lạc một mình phải gồng gánh cả đoàn hát nghèo, có những đêm cùng đoàn lưu lạc tận trong rừng cao su, vừa hát dưới trời mưa vừa đầm đìa nước mắt…, bà đều đã trải qua. Cùng lắng tập 16 – Ngôi sao dẫn đường để được cùng Kỳ nữ Kim Cương ôn lại những kỷ niệm về mẹ – người dẫn đường nghệ sĩ đến với sân khấu và cũng là người mà kỳ nữ yêu thương hết mực. 


⏭️ Phát hành 20h Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy hàng tuần
✨Website: www.kynukimcuong.vn
✨YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimCuong
✨Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimCuong
✨Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
⏭️ Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com