“Cậu bé Kim Cương” là chương tiếp theo thuộc phần 1 “Tuổi thơ nghiệt ngã” trong Audio Hồi ký Kim Cương. Trong tập này khán giả sẽ được gặp gỡ Kim Cương với tính cách tinh nghịch như con trai, không sợ trời, không sợ đất, khác xa với hình ảnh nữ tính thường thấy. Cùng với đó, những tàn khốc mà chiến tranh Đông Dương để lại cho dân tộc cũng được tái hiện hết sức chân thật.
Tuổi thơ dữ dội chẳng ai ngờ
Hiếm ai nghĩ rằng Kim Cương – người nghệ sĩ đằm thắm, xinh đẹp trên sân khấu kia đã từng có tuổi thơ dữ dội và bướng bỉnh, được các cô chú trong đoàn trìu mến gọi với cái tên “Cậu bé Kim Cương”. Cô bé khi ấy cũng thích thú với cái tên này, luôn thích diện đồ con trai và cũng luôn có mong muốn được trở thành con trai giống như ba. Lúc ấy, Kim Cương luôn cảm thấy mình là trung tâm của đoàn nên cứ tự do nói năng, phá phách, tếu táo.
Những ngày thơ ấu trong vòng tay cha, Kim Cương được cưng chiều, không sợ trời, không sợ đất. Khi ấy, cô bé chưa bao giờ hình dung được mình sẽ thay đổi tính tình trở thành một người trầm lắng đến vậy, có lẽ từ sau cái đêm đau thương ở rạp Thất Ngàn, tâm hồn vốn hồn nhiên ấy đã trở nên chai sạn.
Cuộc sống đang ngập tràn ánh sáng tươi xanh lại rơi xuống hố sâu tột cùng
Sự ra đi của ông bầu Cương – cha NSND Kim Cương để lại những mất mát rất lớn cho gia đình. Thiếu đi trụ cột, cả gia đình như con thuyền chòng chành giữa sóng lớn của đại dương, không thể vững vàng. Đớn đau thay, khi này cuộc chiến tranh Đông Dương tàn khốc cũng nổ ra. Gánh hát tan tác chạy loạn, má Kim Cương vừa mặc áo tang vừa lê lết kéo theo ba đứa con cùng các nghệ sỹ còn lại bắt đầu công cuộc tìm nơi trú ẩn, đi tìm sự sống.
Sự tác động của chiến tranh Đông Dương đã làm cho gia đình nghệ sĩ Kim Cương phải kẹt lại Phan Thiết. Cố nghệ sĩ Bảy Nam đã bán hết tất cả những phục trang, cảnh trí của đoàn hát để đổi lại từng thúng gạo, từng bao khoai mì. Đến tấm màn nhung thật lớn mang 2 chữ Phước Cương – vật cuối cùng ghi dấu kỉ niệm thời ba Kim Cương còn sống cũng phải bán, tình cảnh lúc đó rất ngặt nghèo …
“Má tôi – một người phụ nữ mảnh mai, chồng vừa chết, con còn nhỏ, giặc giã tràn lan, sự nghiệp điêu tàn không còn biết nắm níu vào đâu ngoài những giọt nước mắt tủi thân”
Như một phép màu diệu kỳ, khi ở tận cùng của nỗi tuyệt vọng từ tinh thần đến vật chất, thì cả đoàn hay tin rằng má Năm Phỉ – dì của Kim Cương đang tìm cách liên lạc và đưa mọi người về Sài Gòn, làm cho cả đoàn như sống lại, quên những gian khổ đã qua và quên luôn cả cơn đói đang hành hạ. “Sau gần một năm trời, tôi mới lại thấy được nụ cười của má tôi, nhưng sau nụ cười ấy tôi thấy ẩn khuất bao nhiêu niềm thương nhớ ba tôi da diết, khôn nguôi.”
Cả đoàn về lại Sài Gòn, nhưng không còn nữa những ngày sát cánh bên nhau, mỗi người đi mỗi ngả như đoàn chim vỡ tổ, đoàn Phước Cương lừng lẫy ngày nào bỗng trong phút chốc chẳng còn một ai. Rồi đây tương lai của Kim Cương sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê thế nào hay cũng phải tạm biệt nơi mà mình đã gắn bó suốt thời thơ ấu ấy? Hãy cùng lắng nghe và cảm nhận tập 3 – Cậu bé Kim Cương qua giọng đọc của các nghệ sỹ nổi tiếng của sân khấu kịch miền Nam
🎶 Audio Hồi Ký Kim Cương – Sống cho người, Sống cho mình
⏭️ Phát hành 20h Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy hàng tuần
✨Website: www.kynukimcuong.vn
✨YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimC…
✨Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimC…
✨Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
⏭️ Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com