Nghệ sĩ Kim Cương, từ một nghệ sĩ cải lương nhà nòi bằng tất cả tâm huyết, lòng yêu nghề, cộng với sự am hiểu về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, nhất là sau chuyến đi học tập Pháp trở về phục vụ nền sân khấu nước nhà, kỳ nữ đã cho ra đời thể loại kịch mà sau này gắn liền với chính cái tên của mình – kịch Kim Cương – lừng danh với những vở kịch do chính tay mình biên soạn.
Là người có truyền thống gia đình theo cải lương, nghệ sĩ Kim Cương lại chọn cho mình một lối đi riêng, tha thiết muốn tạo dựng một sân khấu kịch mang hơi thở miền Nam nên đành phải “nằm gai” viết kịch bản cho đoàn mình diễn. Từ những buổi sơ khai của sân khấu thoại kịch, dưới bút danh Hoàng Dũng khi chưa biết gì về quy tắc biên kịch, Kim Cương chỉ viết bằng những kinh nghiệm trên sân khấu và chính những cảm xúc chân thật của mình.
Mặc dù trước Kim Cương đã có vài người làm sân khấu kịch, như La Thoại Tân, Túy Hồng, nhưng hầu hết chỉ là kịch ngắn, có khi hài nhẹ nhàng nhưng chỉ khi kịch Kim Cương ra đời thì đã chinh phục ngay trái tim khán giả bằng những vở kịch dài mà còn là bi kịch. Chính chất melo của kịch Kim Cương lại rất gần với cải lương vì vậy khán giả có cảm giác quen thuộc, dễ xem, đi thẳng vào lòng người. Kim Cương tìm thấy được hạnh phúc khi trải lòng qua các tác phẩm, được tỏ bày những tâm tư, vui buồn cùng cuộc đời của những người bất hạnh – điều này chính là hạnh phúc của nữ nghệ sỹ. Kim Cương viết kịch với một tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sỹ nên chỉ cần một câu nói hay, một tình cảm đẹp, một chiếc lá vàng rơi hay một điệu nhạc xưa cũng đủ cảm hứng để hoàn thành vở kịch.
Trà hoa nữ
Nếu với “Lá sầu riêng”, Kim Cương chiếm trọn tình cảm của khán giả thì “Trà hoa nữ” là bước ngoặt mới thay đổi cuộc đời nghệ thuật, dấn thân vào con đường chông gai thử thách, tạo dựng một mô hình sân khấu thoại kịch miền Nam. Nhờ việc chuyển thể kịch bản gần gũi với khán giả Việt Nam nhưng vẫn giữ được hồn cốt của cuốn tiểu thuyết, đặc biệt tìm được sợi dây vô hình giữa mình và nhân vật nữ chính đều hết mình vì tình yêu, vở Trà hoa nữ tuy còn thô sơ nhưng được khán giả rất yêu mến. Sau sự thành công của vở kịch này, nữ nghệ sĩ nhận thấy kịch nói sẽ có tương lai tốt đẹp nếu được đầu tư một cách nghiêm túc và quy củ nên đã mạnh dạn theo lý tưởng của đời mình kể từ đây và những vở kịch của soạn giả Kim Cương ngày càng ra đời nhiều hơn.
Hai mùa Giáng sinh
10 năm sống trong trường dòng, những tà áo trắng dịu dàng, những lời dạy đôn hậu của các xơ và thậm chí từng mơ ước được mặc những chiếc áo dòng thiêng liêng ấy, đã ảnh hưởng đến cuộc sống của Kim Cương rất nhiều. Và “Hai mùa giáng sinh” đã ra đời như một lời tri ân tới những người thầy đáng mến của cô học trò nhỏ năm xưa, nhằm tôn vinh những người đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho lý tưởng thiêng liêng.
Về nguồn
Không chỉ mang tư tưởng làm kịch với phận sự là ca ngợi chân thiện mỹ của cuộc đời, còn có một mục đích cao cả mà Kim Cương cho ra đời những đứa con tinh thần của mình chính là viết kịch để báo hiếu cho má – cố NSND Bảy Nam. Má Bảy Nam chưa bao giờ yêu cầu gì chỉ mong Kim Cương viết nhiều kịch bản để được diễn. Trong “Về Nguồn” không phải bối cảnh cuộc sống nông thôn hay những gia đình sang trọng mà đi vào cuộc sống của những người công nhân, nơi họ bị bóc lột tàn ác, đang đứng lên đấu tranh đòi quyền sống, trong đó có một người mẹ điên, do chính má Bảy Nam đảm nhiệm – được báo chí hết lời khen ngợi – đây chính là một trong số những vai diễn Kim Cương viết để thỏa mãn niềm đam mê diễn xuất của má.
Người mua hạnh phúc
Đây chính là tác phẩm sau cùng nghệ sĩ Kim Cương viết trước khi giã từ sân khấu, giã từ nghiệp sáng tác. Khi này tuổi đời đã chín, sự nhìn nhận về cuộc đời cũng khác hơn, “Người mua hạnh phúc” lấy bối cảnh trong một nhà thương điên, với thông điệp: “Người có thể hóa điên vì tình, tiền nhưng hạnh phúc chỉ thật sự đến với những tâm hồn biết thức tỉnh”. Vở kịch như một hồi chuông thức tỉnh những kẻ hám danh lợi, tiền bạc mà sống bất nhân, bất nghĩa. Sự châm biếm của vở kịch khiến người xem sẽ có thêm nhiều suy ngẫm về những vấn đề xã hội với bao điều nhức nhối làm lung lay giá trị đạo đức truyền thống của người Việt. Đó cũng là điều làm nên tuổi thọ một tác phẩm sân khấu khi các vấn đề được đặt ra chạm đến trái tim người xem.
Kim Cương vừa là tác giả kịch bản dồi dào ý tưởng, thể hiện tâm lý nhân vật rất phù hợp với người Việt, đồng bào ai đi coi cũng chảy nước mắt vừa là một bà bầu, một đạo diễn tinh tế và luôn tôn trọng lớp trẻ, kiêm luôn diễn viên chính tài hoa. Mời Quý Khán giả cùng nghệ sĩ Kim Cương ôn lại kỷ niệm qua những vở kịch để đời, sống mãi trong lòng khán giả qua Tập 9 – Tôi là soạn giả (Phần 2) tại:
—
Phát hành 20h Thứ ba, Thứ năm, Thứ bảy hàng tuần
Website: www.kynukimcuong.vn
YouTube: https://tinyurl.com/YouTube-HoiKyKimCuong
Spotify: https://tinyurl.com/Spotify-HoiKyKimCuong
Apple Podcast: https://tinyurl.com/Apple-HoiKyKimCuong
Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ qua email : nghesikimcuong@gmail.com