Kim Cương: ‘Tôi chăm từ thiện để bớt cô đơn’

/

“Kỳ nữ” nói ở tuổi 84, bà dồn hết tâm huyết vào việc làm thiện nguyện để bớt thấy cô đơn sau hàng chục năm xa sân khấu.

– Năm qua, bà gặp khó ra sao khi đi xin hỗ trợ cho nghệ sĩ nghèo?

– Con trai tôi biết mẹ ý định tổ chức chương trình thiện nguyện Nghệ sĩ tri âm, năn nỉ đừng làm vì lo cho sức khỏe tôi. Con nói thêm: “Mẹ không ở thương trường nên không biết năm qua, công ty nhỏ hay lớn gì cũng ‘chết’ cả. Mẹ đi vận động nữa là gieo cho người ta cái khó xử”. Tôi nhủ bụng: chắc đành thôi lần này. Giờ chót, nhiều doanh nghiệp tự liên lạc, ngỏ ý muốn được sẻ chia tâm nguyện với tôi. Cảm động là số quà nhiều hơn, giá trị cũng tăng thêm so với những năm trước, được 1,1 tỷ đồng. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Kim Cương: Con năn nỉ tôi bớt làm từ thiện (bài mùng 3)

Nghệ sĩ Kim Cương vẫn dốc lòng làm từ thiện ở tuổi 84. Ảnh: Mai Nhật.

Hôm nghệ sĩ cải lương Kim Giác mất hồi cuối tháng 1, tôi đến viếng. Thấy tôi gửi tiền phúng, một người con bảo gia đình xin miễn chấp điếu. Tôi nói: đây là tiền mà Kim Giác lẽ ra sẽ nhận được từ chương trình của tôi nếu còn sống. Trước bàn thờ, tôi khóc, nhắn người quá cố: “Bảy năm qua đều có mặt em. Năm nay, em chưa kịp lãnh, chị gửi ở đây để em thấy rằng, khán giả vẫn còn thương em, thương tụi mình”.

– Vì sao ở tuổi 84, bà dồn hết tâm huyết để làm thiện nguyện?

– Bảy năm qua, tôi hay gõ cửa nhiều mạnh thường quân nhờ hỗ trợ các anh em diễn viên, công nhân hậu đài có cái Tết ấm êm. Vì niềm vui, không phải chỉ cho tôi mà còn cho các anh em. Nhiều đồng nghiệp một thời, tuổi đã ngoài 70, 80, hàng năm vẫn chờ tôi tổ chức chương trình. Họ không trông ngóng những túi quà vài triệu bạc, mà chỉ muốn được gặp nhau hàn huyên.

Tôi thường ví, nghệ sĩ như những con tằm, trả nợ dâu xong là chết trong những cái kén. Nhưng con tằm còn sướng hơn vì có kén để chết yên thân. Nhiều người trong chúng tôi, cống hiến đến cuối đời, mà vẫn sống trong lay lắt, bệnh hoạn, và nhất là nỗi buồn. Tôi mà không làm từ thiện có lẽ cũng khó sống được đến giờ này. Gần 70 năm trong nghề, tôi thấm thía nỗi cô đơn của nghệ sĩ. Dù con cháu đề huề, nhiều đêm tôi vẫn lén vào phòng thờ của má – Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam, khóc vì nhớ sân khấu. Nghệ sĩ thường có hai gia đình – một với vợ chồng, con cái, một với khán giả. Chúng tôi ăn đời ở kiếp với đoàn hát nhiều hơn với người thân. Ngày xưa, mỗi năm, có khi tôi cùng gánh hát bôn ba lưu diễn suốt bốn, năm tháng trời, sum vầy đón Tết bên nhau.

Kim Cương: Con năn nỉ tôi bớt làm từ thiện (bài mùng 3) - 2

Kim Cương thời trẻ bên nghệ sĩ Bảy Nam. Ảnh tư liệu.

– Bà nhớ gì về những mùa Tết lúc còn lèo lái đoàn kịch Kim Cương?

– Mấy chục năm làm sân khấu, tôi không được nghỉ Tết vì đây là mùa ăn nên làm ra nhất của đoàn kịch. Từ mùng một đến mùng 10, chúng tôi diễn mỗi ngày ba suất. Giao thừa, tôi ăn cơm cùng má xong là sáng hôm sau lao vào rạp, lo liệu đến khuya mới về. Nhiều người không kịp lau lớp hóa trang, để nguyên để sáng diễn tiếp. Chúng tôi tự ăn Tết với nhau, thiếu bánh mứt, lương thực thì có người nhà tiếp tế. Lâu lâu, bảo vệ đứng ngoài cửa, đọc tên để từng người chạy ra lấy đồ, cứ như thăm nuôi vậy. Ai có bánh tét, bánh chưng thì chia năm xẻ bảy.

Thiếu thốn đủ bề, nhưng nghĩ đến việc khán giả cùng cười, khóc với mình, chúng tôi quên hết nỗi tủi thân. Sân khấu như một cuộc đời thu nhỏ, đầy đủ hỉ – nộ – ái – ố, chính những điều đó ràng buộc chúng tôi với nhau.

– Sức khỏe bà dạo này ra sao?

– Những năm nay, tôi duy trì lịch khám tổng quát vài tháng một lần, may mắn không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Chỉ một lần năm 2019, tôi nhập viện vì lên cơn nhồi máu cơ tim do tật bẩm sinh. Thỉnh thoảng, bị ốm vặt, tôi xem đó như lời nhắc nhở của trời phật, rằng ai rồi cũng phải đi đến phút cuối.

– Bà còn tâm nguyện nào dang dở?

– Tôi thường dặn con trai: “Nếu má có bề gì, con thay má duy trì quỹ học bổng Bảy Nam”. Ngày trước, má tôi phiền lòng vì định kiến coi thường nghệ sĩ của người xưa, rằng “xướng ca vô loài”. Má từng nhiều phen chịu nhục từ chính cậu, dì trong nhà vì đi theo gánh hát. Chị của má – nghệ sĩ Năm Phỉ – đến chết vẫn không được người thân nhìn mặt. Má tôi thường dặn: “Con phải sống sao để khán giả đánh giá đúng đóng góp của nghệ sĩ”. Cách đây vài năm, tạp chí Forbes chọn tôi là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất nước. Đêm đó, nhận cúp xong, tôi dâng lên bàn thờ, nói: “Má ơi, con báo hiếu cho má được rồi”.

Tôi lo liệu trước mọi thứ, kể cả ngày tôi ra đi. Nhiều năm trước, tôi đã xin một mảnh đất nằm cạnh mộ má ở Nghĩa trang TP HCM. Thế nên, tôi không còn gì ân hận nếu một ngày nhắm mắt xuôi tay. Nếu có tiếc nuối, thì là việc tôi không được tự tay làm thiện nguyện nữa.

Kim Cương: Con năn nỉ tôi bớt làm từ thiện (bài mùng 3) - 4

Kim Cương trao học bổng cho con em nghệ sĩ trước bàn thờ mẹ hồi đầu tháng 2. Ảnh: Mai Nhật.

– Bà đón Tết này như thế nào?

– Cả năm lo “chuyện người”, chỉ đến Tết, tôi mới dành thời gian cho gia đình. 17 năm nay, sáng mùng một, tôi cùng con cháu ra thăm mộ má. Niềm vui tuổi già của tôi là những đứa cháu. Như thừa hưởng tính tôi, các bé cũng mê làm từ thiện. Đợt trao học bổng Bảy Nam vừa qua, tôi nhờ từng bé trao quà cho bạn đồng trang lứa. Có cháu trai ôm tôi thủ thỉ: “Sau này con lớn mà giàu, con sẽ xây một building (cao ốc) thiệt lớn, tặng người nghèo mỗi người một cái”. Nghe con trẻ nói vậy, tôi cười mà mắt rưng rưng.

Kim Cương sinh năm 1937, mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam, được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là: “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Bà nổi tiếng qua những vở Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ… Ngoài thành tựu diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công tác thiện nguyện. Nhiều năm, bà tổ chức sự kiện Nghệ sĩ tri âm để quyên góp giúp các diễn viên, nhạc công, soạn giả nghèo khổ. Bà sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP HCM

Bài viết từ VNexperss được đăng tải vào ngày 14/2/2021