NSND Bảy Nam và những bài học về đạo làm nghề

/

PNO – Những câu chuyện về cố NSND Bảy Nam luôn là những bài học quý về việc làm nghề, giữ đạo của người nghệ sĩ.

Sáng 15/10, triển lãm ảnh về cố NSND Bảy Nam với chủ đề NSND Bảy Nam – Người mẹ của sân khấu kịch miền Nam đã diễn ra tại trụ sở Hội Sân khấu TPHCM (5B Võ Văn Tần, quận 3). Đây là một trong những hoạt động chào mừng ngày 20/10 do Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TPHCM và Câu lạc bộ Phóng viên Sân khấu tổ chức.

Với NSND Kim Cương, NSND Bảy Nam không chỉ là mẹ mà còn là một người thầy, “bạn diễn” ăn ý trên sân khấu. NSND Kim Cương cho biết, ông ngoại của bà là một nhà nho nên rất thành kiến với nghệ sĩ. Nghệ sĩ Năm Phỉ từ khi theo đoàn hát bị từ mặt, đến ngày cha mất cũng không được về. 

NSND Kim Cương trong buổi khai mạc triển lãm ảnh về cố NSND Bảy Nam sáng 15/10
NSND Kim Cương trong buổi khai mạc triển lãm ảnh về cố NSND Bảy Nam, sáng 15/10.

Sau khi cha mình qua đời, NSND Bảy Nam mới dám theo nghề hát, nhưng tiếp tục bị người cậu phản đối. Đến khi trốn theo nghệ sĩ Năm Phỉ, bà vẫn bị người cậu này bắt về. “Cậu Hai cột 2 chân má tôi lại và treo ngược lên. Ông hỏi bà chọn đi hát hay đi học. Má tôi nói “đi học” để được thả ra nhưng sau đó, bà vọt chạy và nói rõ sẽ đi hát. Tôi kể để mọi người thấy thế hệ trước vào nghệ thuật gian nan, tủi nhục lắm. Lớp sau có phần đỡ hơn thế hệ đầu nhưng cũng nhiều cay đắng. Đã gọi là nghệ sĩ thì không gia đình nào dám gả con.

Đến bây giờ, chúng ta hãnh diện khi được gọi là nghệ sĩ. Thế hệ sau này vừa hãnh diện vì được công chúng yêu mến, vừa có nhiều cơ hội để kiếm tiền. Vượt qua định kiến khắt khe của gia đình, xã hội để gắn với sân khấu là những nỗ lực đáng trân trọng của những thế hệ nghệ sĩ đi trước” – NSND Kim Cương tâm sự.

NSND Kim Cương vẫn luôn ghi nhớ lời dạy của cố NSND Bảy Nam, sân khấu không phải là một nghề mà là đạo, dạy cho con người sống tốt đẹp hơn. Người nghệ sĩ phải có sự hy sinh để làm cho nghề/đạo tốt đẹp, đừng làm ô uế nghề mà mình đang theo đuổi, đang nuôi sống mình, đừng làm xấu thế hệ trẻ.

“Thật sự tôi rất buồn khi xem một vài em trẻ diễn hài trên truyền hình. Các em nói rất tục, tôi không dám nghe. Chúng ta đủ lớn để biết cái gì tốt, cái gì xấu nhưng tội cho thế hệ trẻ, đặc biệt với các bé chỉ 8, 9 tuổi đang ngồi trước tivi cùng gia đình. Nếu không chỉnh đốn ngay thì sau này chúng ta sẽ có một thế hệ sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, không ngượng ngập nói những câu thô bỉ. Khán giả phải mua vé để bước vào sân khấu, còn truyền hình đi thẳng vào từng nhà, từng phòng ngủ”.NSND Kim Cương 

Một trong những bài học lớn mà NSND Kim Cương học được từ mẹ mình là niềm đam mê nghề bất tận. Bà luôn đúng giờ, đi tỉnh thì phải đến sớm hơn mọi người. Những điều đó dần ăn sâu trong máu thịt của NSND Kim Cương. Bà nhắn nhủ người trẻ đây là nghề của tập thể, phải biết tôn trọng mọi người.

Trong suốt cuộc đời, NSND Bảy Nam chưa bao giờ yêu cầu con cái đáp ứng những nhu cầu về vật chất. Điều bà mong mỏi nhất ở NSND Kim Cương là phải cố gắng viết những kịch bản hay, có ý nghĩa.

NSND Kim Cương nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ đêm đó chuẩn bị đi ngủ, má kêu tôi bảo có một ý tưởng rất hay. Bà nói muốn diễn vai người điên nhưng điên không giống ai. Lửa mê nghề của má khiến tôi muốn khóc. Sau đó một tháng, vở Về nguồn ra đời. Trong vở này, má tôi đóng vai một bà điên nhưng quần áo sạch sẽ, tóc tai gọn ghẽ, tỉnh táo, khác với hình tượng người điên trên sân khấu lúc bấy giờ vốn ăn mặc lôi thôi, tóc tai rối bời, cầm cây la hét. Má tôi luôn mang những gì sạch nhất cho sân khấu”.

NSND Bảy Nam
NSND Bảy Nam trong vai bà điên, vở Về nguồn

Nhắc đến Lá sầu riêng, NSND Kim Cương luôn đề cao sự cẩn trọng của NSND Bảy Nam trong cách làm nghề. Trong vở diễn có cảnh mẹ cô Diệu mặc chiếc áo dài đã cất trong tủ rất lâu để chuẩn bị đi gặp bà Hội đồng. NSND Kim Cương cho biết trước mỗi suất diễn, NSND Bảy Nam đều yêu cầu hậu đài phải ủi rõ những nếp gấp trên chiếc áo dài để tạo sự chân thật.

NSND Kim Cương xúc động khi xem lại trích đoạn Lá sầu riêng
NSND Kim Cương xúc động khi xem lại trích đoạn Lá sầu riêng

Bà đi ra chợ mua giỏ đệm, guốc dong mới, rồi tìm người có chiếc giỏ, guốc cũ hơn để đổi, khiến mọi người thường xuyên thắc mắc về việc làm kỳ quặc này. “Bà bán cá nghèo khổ, quanh năm làm lụng vất vả thì không thể nào mang chiếc giỏ đệm mới toanh được. Ngay cả màu áo cũng phải chú trọng. Nhưng nghèo cũng phải sạch sẽ, không phải luộm thuộm. Mỗi nhân vật, nghệ sĩ phải có sự nghiên cứu, tìm tòi kỹ lưỡng. Có cẩn trọng với nghề thì nghề, khán giả mới không phụ mình” – nữ nghệ sĩ nói về sự cẩn trọng của NSND Bảy Nam. Nhiều nghệ sĩ tỏ ra bất ngờ khi lần đầu tiên được nghe câu chuyện này.

NSND Bảy Nam và cháu ngoại (con NSND Kim Cương) trong một cảnh của vở Lá sầu riêng
NSND Bảy Nam và cháu ngoại (con của NSND Kim Cương) trong một cảnh của vở Lá sầu riêng

NSƯT Hữu Châu từng có thời gian làm việc với cố NSND Bảy Nam. Anh vào vai cậu Sang trong vở Lá sầu riêng và có một kỷ niệm không bao giờ quên: “Sau giờ diễn, tôi làm mất đôi bông tai mù u nên hoảng sợ tột độ. Tôi nói với cô Hai (NSND Kim Cương), cô bảo đến tìm bà (NSND Bảy Nam) và nói rõ. Bà nói rất nhiều điều, đạo cụ cũng là bạn diễn, là công cụ mang chén cơm cho người nghệ sĩ nên phải rất cẩn trọng, chứ không được cẩu thả. Sau đó, bà mang ra một bịch bông tai mù u, khi đó tôi mới hoàn hồn”.

NSƯT Hữu Châu chia sẻ về kỷ niệm nhớ đời với NSND Bảy Nam
NSƯT Hữu Châu chia sẻ về kỷ niệm “nhớ đời” với NSND Bảy Nam

NSƯT Thành Lộc cho biết trong những bữa cơm ngày xưa của gia đình anh, NSND Bảy Nam luôn là cái tên được nhắc rất nhiều. Bà không có sắc vóc như NSND Phùng Há nhưng mỗi khi họ diễn chung, bà vẫn có một vị trí trong lòng khán giả, chứ không bị lép vế.

“Với nghệ sĩ, thanh sắc vẹn toàn là lợi thế, nhưng không phải tất cả. Điều quan trọng là thời thế, năng lực của nghệ sĩ. Vai diễn ít đất diễn đến đâu nhưng nếu có tài năng, nghệ sĩ vẫn khiến khán giả chú ý” – nghệ sĩ Thành Lộc nói về bài học anh chiêm nghiệm được từ câu chuyện của NSND Bảy Nam.

NS ƯT Thành Lộc thích thú chia sẻ về kỷ niệm gắn với NSND Bảy Nam
NSƯT Thành Lộc nhắc nhớ những ký ức với NSND Bảy Nam

Tham dự buổi khai mạc triển lãm ảnh của NSND Bảy Nam còn có nhiều nghệ sĩ kỳ cựu như NSND Minh Vương, NSND Lệ Thuỷ, NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thành Hội… Triển lãm kéo dài trong 3 tuần, bắt đầu từ 15/10.

NSND Minh Vương
NSND Minh Vương chia sẻ về kỷ niệm vui trong những ngày cuối đời của NSND Bảy Nam. Ông thường trêu chọc bà là sẽ tìm một người đàn ông để mai mối cho bà khi khoẻ lại.
NSND Lệ Thuỷ nói chính bà và cả thế hệ sau phải tiếp tục học hỏi ở NSND Bảy Nam về tinh thần trách nhiệm với nghề
NSND Lệ Thuỷ nói chính bà và cả thế hệ sau phải tiếp tục học hỏi ở NSND Bảy Nam về tinh thần trách nhiệm với nghề
NSND Kim Xuân chăm chú lắng nghe những câu chuyện về NSND Bảy Nam
NSND Kim Xuân chăm chú lắng nghe những câu chuyện về NSND Bảy Nam
NSƯT Lê Thiện chia sẻ những tâm tư, sự đồng cảm khi làm một người trưởng đoàn
NSƯT Lê Thiện chia sẻ những tâm tư, sự đồng cảm khi làm một người trưởng đoàn hát
Nghệ sĩ Ái Như hạnh phúc khi được làm lại kịch bản Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh vào năm 2019
Nghệ sĩ Ái Như hạnh phúc khi được làm lại kịch bản Bông hồng cài áo trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh vào năm 2019
NSƯT Thành Hội
NSƯT Tuyết Thu
NSƯT Tuyết Thu
Nghệ sĩ Thanh Hằng xúc động khi xem trích đoạn Lá sầu riêng
Nghệ sĩ Thanh Hằng xúc động khi xem trích đoạn Lá sầu riêng

Một số hình ảnh trong triển lãm:

Bài viết từ phunuonline đăng tải vào ngày 15/10/2020